Khi Đàn Sói Xám Làm Bá Chủ Rừng Yellowstone
"Tác động kỳ diệu"
Các nhà khoa học đã cố gắng đưa sói xám trở lại môi trường sống tự nhiên của chúng để bảo tồn. Họ không ngờ rằng những con sói với hàm răng và móng vuốt dính máu tươi này lại giúp giữ gìn cây cối trong vùng.
Thật vậy, dường như sự trở lại của đàn sói đã có tác động kỳ diệu đối với toàn bộ hệ sinh thái của Yellowstone. Bầy sói đã nhanh chóng giành lấy vị trí thú săn mồi hàng đầu, và đóng vai trò quan trọng trong việc tái định hình hệ sinh thái.
Nhà sinh thái học William Ripple thuộc Đại học bang Oregon, người đã nghiên cứu đàn sói kể từ khi chúng trở lại, nhận thấy rằng chỉ trong vòng một thập kỷ đàn sói đã làm giảm số lượng của đàn nai sừng tấm - con mồi chính của chúng - xuống còn một nửa. Những con nai sừng tấm sống sót phải tránh lãnh địa của chúng và dạt ra ngoài bìa. Những cây thân gỗ như cây dương, cây liễu vốn bị loài nai sừng tấm nhai tỉa, giờ đây đã mọc sum suê trở lại.
Đối thủ cạnh tranh với chúng, sói đồng cỏ Bắc Mỹ coyote, cũng trở thành nạn nhân. "Coyote rất sợ sói," Ripple, người từng chứng kiến sự hung dữ của đàn sói trước sói coyote ở Yellowstone, nói. "Sói sẽ săn đuổi coyote, giết chết chúng và thậm chí đôi khi còn ăn thịt chúng. Sói không hề ưa coyote chút nào."
Ở Thung lũng Sông Lamar trong Yellowstone, mật độ sói coyote đã giảm gần 40% sau khi sói xám được thả vào rừng. Ở công viên quốc gia Grand Teton gần đó, mật độ sói coyote đã giảm 30% trước sự hiện diện của bầy sói. Loài linh dương sừng nhánh, con mồi của sói coyote, đã sống sót nhiều hơn khi sói xám xuất hiện trở lại và có ít sói coyote trong môi trường hơn.
Ripple và Thomas Newsome, nhà sinh thái học thuộc Đại học Deakin, đã nhận ra rằng trên khắp Bắc Mỹ, nơi nào có mặt của sói thì sói coyote sẽ ít đi. Thay vào đó, số lượng cáo đỏ, con mồi và đối thủ cạnh tranh của coyote, lại tăng lên. Ripple và Newsome đi đến kết luận này từ số liệu thu hoạch lông thú ở bảy tỉnh và tiểu bang.
Vai trò chế ngự
"Chúng tôi phát hiện trên phạm vi địa lý rộng lớn rằng sói chế ngự sói coyote và cứu giúp cho cáo, do cáo có kích thước nhỏ và không cạnh tranh với sói," Ripple nói. "Cáo được hưởng lợi từ việc sói chế ngự sói coyote."
Ở hầu hết hệ sinh thái, mỗi loài sinh vật sẽ ăn loài nào đó và bị loài khác ăn lại. Bạn có thể hình dung nó như một chiếc thang. Ở nấc thang trên cùng là thú săn mồi bậc cao. Ở nấc thấp hơn là thú săn mồi bậc trung vốn có kích thước nhỏ hơn và là con mồi của thú săn mồi bậc cao. Trật tự cứ thế tiếp diễn cho đến nấc thang cuối cùng là cây cỏ.
Điều này có nghĩa là thú săn mồi bậc cao hạn chế số lượng của thú săn mồi bậc trung. Nếu thú săn mồi bậc cao suy giảm số lượng hay biến mất hoàn toàn thì sự hạn chế này sẽ bị mất đi và do đó số lượng thú săn mồi bậc trung sẽ tăng lên và sẽ trở thành loài thống trị hệ sinh thái. Nếu điều này xảy ra, những giống loài ở các nấc thang thấp hơn phải đối phó với thú săn mồi bậc trung vốn không có gì kiểm soát được.
Vào những thập niên sau khi sói xám bị săn bắn đến tận diệt ở Mỹ, số lượng sói coyote tăng lên trong khi số lượng thỏ hoang và thỏ rừng suy giảm nhanh chóng. Từ Bờ Đông cho đến Bờ Tây, các loài thỏ chân to, thỏ đuôi trắng, thỏ tai to đuôi đen và thỏ lùn bị liệt vào danh sách những loài có nguy cơ biến mất. Một số loài hoàn toàn không còn cá thể nào ở một số địa phương. Các bằng chứng cho thấy chính loài sói coyote là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Khi thú săn mồi bậc trung trở thành loài xâm hại thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. "Ở Úc, chúng tôi đã mất ba mươi loài động vật có vú trong vòng 200 năm qua," Newsome cho biết. "Chỉ tính riêng ở Úc con số đó là một nửa toàn bộ số loài động vật có vú bị tuyệt chủng." Tốc độ tuyệt chủng như thế là vượt qua những số liệu trong quá khứ.
Hệ sinh thái đảo lộn
Người châu Âu đặt chân đến Úc châu vào những năm 1600. Họ đem đến những thay đổi mà cuối cùng đã phá hỏng sự đa dạng sinh thái của châu lục này. Con người và đàn gia súc giờ đây thống trị các khu vực ẩm ướt và giàu thức ăn ở Úc châu trong khi các loài ăn cỏ mới được đưa đến như lạc đà và dê gặm cỏ tại những vùng khô cằn. Một khi nguồn thức ăn suy giảm và cạnh tranh tăng lên, những loài thú bản địa phải chật vật để sinh tồ ;n.
Tuy nhiên, đối với nhiều giống loài ở đây nguyên nhân chính khiến chúng tuyệt chủng có lẽ đến từ hai loài thú săn mồi xâm hại: loài cáo đỏ và mèo hoang. Một nghiên cứu hồi năm 2006 cho thấy việc săn mồi của cáo đỏ và mèo hoang chính là nhân tố chủ chốt khiến cho nhiều loài gặm nhấm, động vật có túi và loài chim bản địa suy giảm số lượng hoặc tuyệt chủng.
Dù vậy, cáo đỏ và mèo hoang không phải là loài thú săn mồi bậc cao ở Úc. Chúng chỉ là những con thú có kích thước nhỏ, nặng 6kg và 4kg trung bình. Những loài động vật có túi săn mồi lớn hơn một thời từng thống trị ở Úc nhưng giờ đây chúng chỉ còn lại tro và xương. Ngày nay, loài chó hoang dingo mới là loài săn mồi ở nấc thang trên cùng ở Úc.
Nhìn rất giống chó nhà, chó hoang dingo cân nặng khoảng 20kg. Chúng được con người đưa đến Úc châu vào khoảng 3.500-5.000 năm trước. Chúng từng sống trải khắp lục địa Úc châu. Tuy nhiên, khi chúng bắt đầu tấn công đàn cừu thì con người bắt đầu phản công.
Chúng bị đặt bẫy, bị bắn chết hoặc bị đầu độc ở xung quanh các trang trại nuôi cừu. Người dân Úc mong muốn loại trừ chó dingo đến nỗi họ dựng một hàng rào kẽm gai dài 5.500km và cao đến 2 mét. Hàng rào Dingo được hoàn thành vào năm 1946 đã đẩy loài chó dingo ra khỏi các đồng cỏ chăn cừ ở đông nam Úc. Phía nam hàng rào này vẫn là nơi chăn thả an toàn đàn cừu hầu như không còn con chó dingo nào.
Cứu nguy động vật nhỏ
Tuy nhiên, hàng rào này hóa ra lại ảnh hưởng không chỉ tới chó dingo mà còn những loài khác.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2011, các nhà khoa học đã so sánh các địa điểm ở cả hai phía hàng rào và nhận thấy ở phía có dingo có nhiều động vật có vú cỡ nhỏ hơn. Ngoài ra, loài cáo ít hiện diện hơn ở phía có chó dingo. Hơn nữa, khi các nhà khoa học bắt đầu liên hệ sự phân bố của chó dingo, cáo và động vật có vú nhỏ với nhau, họ nhận thấy có một xu hướng nhất quán: nơi nào có mặt chó dingo, nơi đó có ít cáo và nhiều động vật nhỏ hơn.
Do chó dingo và sói cạnh tranh nhau để săn cùng loại các con mồi, chúng ta dễ dàng hình dung ra loài dingo to lớn hơn dùng sức mạnh để chế ngự loài cáo. Điều này cũng giống như loài sói chế ngự sói coyote ở Bắc Mỹ vậy.
Thành công của việc đưa loài sói trở lại Yellowstone và phản ứng tích cực của hệ sinh thái trước việc này đã khiến một số nhà khoa học đang xem xét đưa loài dingo trở lại môi trường sống nguyên thủy của chúng.
Trong số 30 giống loài đã bị tuyệt chủng ở Úc thì "ít nhất 20 loài tuyệt chủng là do sự săn mồi của cáo đỏ và mèo hoang do không còn chó dingo," Newsome nói. Do các nghiên cứu đã chỉ ra rằng "khi dingo trở lại thì sẽ có ít cáo và mèo hơn nên các loài thú nhỏ khác sẽ có khả năng sống sót cao hơn. Tôi nghĩ rằng đây là điều mà chúng ta phải nghiên cứu thêm để sử dụng như một phương cách bảo tồn."
Tuy nhiên việc một loài thú săn mồi bậc cao quay trở lại cũng có thể gây xáo trộn.
Chó hoang và sư tử
Thú săn mồi bậc cao có thể gây tác động nghiêm trọng đến thú săn mồi bậc trung hay những con mồi gần tuyệt chủng. Câu chuyện về loài chó hoang và cuộc vật lộn sinh tồn của chúng trước sự xuất hiện trở lại của sư tử ở một số vùng ở châu Phi đã cho thấy hậu quả nghiêm trọng như thế nào.
Chó hoang là loài ăn thịt đang bị đe dọa nhất ở châu Phi. Một thống kê số lượng hồi năm 2012 cho thấy số lượng loài này hiện chỉ còn chưa tới 1.400 con trưởng thành. Trung bình cứ trong 10 con chó hoang trưởng thành thì có con bị sư tử giết, còn ở chó non thì tỷ lệ này là ba con.
Một nghiên cứu được công bố hồi tháng 12/2025 đã mô tả cuộc xung đột giữa chó hoang và sư tử ở Khu bảo tồn Thung lũng Savé thuộc Zimbabwe.
Khu bảo tồn nhận được ba con sư tử hồi năm 1995 và đến năm 1999 thì có chưa tới mười con. Thêm 10 con nữa được thả vào rừng năm 2005 và số lượng sư tử đã vượt quá 100 con cho đến cuối thập niên 2000. Trong khi đó, vào những năm 1990 chó hoang thống trị khu bảo tồn này và số lượng của chúng đạt đỉnh vào năm 2004.
Số lượng sư tử tăng lên đã gây suy giảm số lượng chó hoang. Đàn sư tử thích đi săn ở những khu vực có nhiều linh dương, do đó để tránh sư tử chó hoang phải dời hang đến những nơi hiểm trở có ít linh dương.
Ngay cả khi đó, số lượng trong đàn của chúng đã giảm đến một phần ba và số lượng con non giảm còn một nửa. Ít nhất 30% chó hoang trưởng thành và 70% con non chết là do sư tử trong giai đoạn 2010-2013. Điều này không hề xảy ra trong thời kỳ 1996-1999.
Vấn đề là chó hoang phải ở gần hang trong vòng ba tháng để nuôi con khiến chúng trở thành con mồi dễ dàng cho đàn sư tử. Chó hoang chỉ sinh sản mỗi năm một lần và sư tử sát hại nhiều con non hơn là số lượng được sinh ra. Do đó, khi đưa sư tử quay trở lại, khu bảo tồn Thung lũng Savé đã đánh đổi bằng đàn chó hoang.
Ngày nay, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học đang nghiên cứu các loài thú săn mồi để hiểu về tác động của chúng đối với hệ sinh thái. "Đó là một ngành khoa học mới. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ biết thêm được rất nhiều điều," Ripple nói. Công trình nghiên cứu của ông về sự trở lại của sói xám ở Công viên Quốc gia Yellowstone đã giúp mọi người hiểu được vai trò tích cực của thú săn mồi.